Việc nâng cao nhận thức và đầu tư cho giáo dục để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu lao động và thị trường toàn cầu ...
Việc nâng cao nhận thức và đầu tư cho giáo dục để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu lao động và thị trường toàn cầu trong bối cảnh nông nghiệp 4.0 là việc nhiệm vụ cần làm ngay và cần có chiến lược dài hạn.
Báo điện tử Dân Việt xin được trân trọng giới thiệu bài viết của PGS-TS Nguyễn Thị Lan- Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cùng cộng sự về bài toán đào tạo nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp, thích ứng với nông nghiệp 4.0 hiện nay.
Tỷ lệ sử dụng công nghệ thấp
Thực tế cho thấy ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp Việt Nam hiện nay đang tồn tại ở nhiều hình thức. Nông nghiệp kém phát triển hoàn toàn không ứng dụng máy móc và công nghệ còn tồn tại ở một số vùng, đặc biệt là vùng xa; máy móc trong gieo trồng và thu hoạch được áp dụng ở một số vùng đồng bằng có điều kiện thuận lợi; và ứng dụng công nghệ tự động hoá với các gói giải pháp hiện đại ở một số ít doanh nghiệp có khả năng đầu tư lớn.
Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong giờ thực hành. Ảnh: T.L
Hiện cũng chưa có nhiều nghiên cứu điều tra tổng thể về mức độ sử dụng công nghệ “made in Vietnam” trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo thông tin gần đây thì tỉ lệ này còn thấp, đặc biệt những công nghệ tự động hoá, dây chuyền công nghệ hiện đại do một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn sử dụng thì nhập khẩu hoàn toàn.
Trong bối cảnh phát triển công nghệ nông nghiệp trong nước và thế giới như trên, việc lãnh đạo Đảng và Nhà nước thể hiện quyết tâm thúc đẩy khoa học - công nghệ (KHCN) và ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm đảm bảo Việt Nam bước kịp với những bước tiến công nghệ của thế giới là hoàn toàn đúng đắn. Ngoài việc đầu tư cho KHCN để người Việt Nam có thể sáng tạo ra những gói giải pháp nông nghiệp 4.0 “made in Vietnam” hay làm chủ những công nghệ phù hợp với Việt Nam, việc nâng cao nhận thức và đầu tư cho giáo dục để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu lao động và thị trường toàn cầu trong bối cảnh nông nghiệp 4.0 là việc nhiệm vụ cần làm ngay và cần có chiến lược dài hạn.
Đây là một vấn đề mấu chốt, cần được lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm đúng mức, bởi hiện nay, chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức lớn về sự thiếu hụt lao động có trình độ cao và kỹ năng chuyên nghiệp để đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực cho nông nghiệp 4.0. Số lượng sinh viên ra trường rất đông, tuy nhiên trình độ và kỹ năng làm việc còn nhiều hạn chế, chưa phát huy được tính sáng tạo), tư duy logic và giải quyết vấn đề của sinh viên còn yếu, tính thực tiễn không cao.
Ảnh hưởng nông nghiệp 4.0 đến lao động
Với sự hình thành của xu hướng công nghiệp 4.0, nông nghiệp sẽ là cánh đồng màu mỡ nhất để sáng tạo, thử nghiệm, khởi nghiệp và đầu tư ứng dụng cách mạng 4.0. Fobes - 2016 đưa ra nhận định trên dựa vào số liệu đầu tư cho công nghệ nông nghiệp tăng đột biến những năm qua: Năm 2010 đến 2012 kinh phí đầu tư cho công nghệ nông nghiệp chỉ 0,4-0,5 tỷ USD, năm 2013 là 0,9 tỷ và đến năm 2015 con số này là 4,6 tỷ USD. Các chuyên gia tài chính còn nhận định đầu tư cho công nghệ nông nghiệp trên thế giới trong bối cảnh nông nghiệp 4.0 sẽ chiếm 10% GDP toàn cầu.
Đầu tư tài chính cho công nghệ nông nghiệp từ khi xuất hiện nông nghiệp 4.0. Nguồn: Fobes, 2016 (đơn vị tính: tỷ USD)
Trong một thời gian dài, các doanh nghiệp khởi nghiệp không mặn mà với nông nghiệp, tuy nhiên với sự xuất hiện của nông nghiệp 4.0, thế giới khởi nghiệp đã thay đổi. Công nghiệp 4.0 tạo ra cơ hội đa dạng cho người dân và doanh nghiệp và nhà khởi nghiệp.
Con số doanh nghiệp công nghệ nông nghiệp tầm cỡ thế giới thay đổi từ 2010 (20 doanh nghiệp) đến 2015 (503 doanh nghiệp) chứng minh rằng thị trường kinh doanh và thị trường lao động sẽ bị ảnh hưởng sâu sắc do nông nghiệp 4.0 mang lại.
Nông nghiệp 4.0 đang mang lại một thông điệp rõ ràng là trong tương lai gần nhu cầu về lao động nông nghiệp thô sơ, lao động phổ thông sẽ sụt giảm (đây là thách thức vô cùng to lớn cho các nước đang phát triển), nhưng lại mở ra cơ hội rất lớn cho các nước năng động và mạnh mẽ đổi mới sáng tạo trong việc đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao, có khả năng sáng tạo.
Định hướng đổi mới đào tạo nguồn nhân lực
Giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực như thế nào trong bối cảnh nông nghiệp 4.0 là câu hỏi không dễ trả lời ngay cả đối với các nước tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, với vai trò là cái nôi của đổi mới sáng tạo trong KHCN và đào tạo thế hệ tương lai, trường đại học có vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt nền nông nghiệp trong cuộc cách mạng 4.0.
Tiếp tục duy trì đào tạo truyền thống phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp trong nước theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh việc đào tạo và nâng cao nhận thức của người dân trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm và gắn với thị trường trong nước và quốc tế; quan tâm đào tạo theo hướng khai thác trí thức và sản phẩm bản địa. Nghiên cứu và bám sát diễn biến sự phát triển và nhu cầu lao động của thị trường trong nước và quốc tế dưới tác động của nông nghiệp 4.0 để có lộ trình điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp.
Về định hướng chung:
- Thay đổi phương thức dạy, chuyển từ truyền thụ kiến thức sang hình thành phẩm chất và phát triển năng lực người học, thực học, thực nghiệm.
- Thay đổi hình thức học, chuyển từ học thuộc, nhớ nhiều sang hình thành năng lực vận dụng, thích nghi, giải quyết vấn đề, tư duy độc lập. Không chỉ học trong sách vở, qua tài liệu mà phải học qua nhiều hình thức khác như qua thực hành mô hình, liên hệ tương tác, làm việc nhóm, bằng dự án khoa học.
- Tăng cường liên kết với doanh nghiệp nông nghiệp, chủ động tìm kiếm các nguồn lực đầu tư bên ngoài, mở rộng các hoạt động đầu tư liên danh, liên kết trong và ngoài nước về đào tạo, nghiên cứu khoa học. Nếu hình thành được mô hình này trường đại học là nơi dẫn dắt tư duy và tạo động lực cho sinh viên cùng kết nối với thị trường và doanh nghiệp. Ngược lại, một doanh nghiệp tích cực vừa là thị trường và cũng vừa là đối tác hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu trong xu hướng nông nghiệp công nghệ cao.
- Tăng cường công tác tuyên truyền về nông nghiệp 4.0 trong nhà trường, bổ chức các hội nghị, hội thảo, các cuộc thi trong các trường khối nông lâm về các mô hình nông nghiệp 4.0
- Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ngành nông nghiệp, để hỗ trợ cho các start-up, phát triển các ý tưởng sáng tạo trong nông nghiệp.
Cần có các dự án thí điểm đào tạo nhân lực
Để đạt được các yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực, ngoài những định hướng chung, nhóm tác giả của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đề xuất các trường trong khối nông lâm nghiệp, cần nghiên cứu thử nghiệm và triển khai mô hình học đại học thông qua những dự án thí điểm về đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp 4.0 (theo cơ chế đặt hàng).
Ví dụ như: Mỗi trường xây dựng thí điểm một ban chuyên đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp 4.0, như một trường đại học thu nhỏ, nhằm chủ động đối phó với các thách thức và nắm bắt kịp thời cơ hội mà nông nghiệp 4.0 đưa đến, đặc biệt là cơ hội khởi nghiệp cho doanh nghiệp xã hội. Trong mô hình đó:
- Sử dụng mô hình đào tạo mới như phòng học ảo, thiết bị ảo, phòng thí nghiệm, thư viện ảo… dưới sự hỗ trợ của các thiết bị thông minh; để giảm thiểu chi phí đầu tư.
- Xây dựng mô hình đào tạo riêng cho nông nghiệp thông minh, nghiên cứu ứng dụng các giải pháp nông nghiệp chính xác: Thiết kế lại chương trình môn học, có sự kết nối chặt chẽ logic có khả năng tạo ra sản phẩm nông nghiệp cụ thể, đáp ứng các tiêu chí của nông nghiệp 4.0.
- Xây dựng các nhóm hợp tác nghiên cứu cho sinh viên để giải quyết những vấn đề thị trường yêu cầu trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp.
- Xây dựng các tiêu chí đánh giá hiệu quả đào tạo và nghiên cứu theo hướng tạo ra sản phẩm KHCN và đào tạo theo hướng nông nghiệp 4.0.
Ví dụ như: Mỗi trường xây dựng thí điểm một ban chuyên đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp 4.0, như một trường đại học thu nhỏ, nhằm chủ động đối phó với các thách thức và nắm bắt kịp thời cơ hội mà nông nghiệp 4.0 đưa đến, đặc biệt là cơ hội khởi nghiệp cho doanh nghiệp xã hội. Trong mô hình đó:
- Sử dụng mô hình đào tạo mới như phòng học ảo, thiết bị ảo, phòng thí nghiệm, thư viện ảo… dưới sự hỗ trợ của các thiết bị thông minh; để giảm thiểu chi phí đầu tư.
- Xây dựng mô hình đào tạo riêng cho nông nghiệp thông minh, nghiên cứu ứng dụng các giải pháp nông nghiệp chính xác: Thiết kế lại chương trình môn học, có sự kết nối chặt chẽ logic có khả năng tạo ra sản phẩm nông nghiệp cụ thể, đáp ứng các tiêu chí của nông nghiệp 4.0.
- Xây dựng các nhóm hợp tác nghiên cứu cho sinh viên để giải quyết những vấn đề thị trường yêu cầu trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp.
- Xây dựng các tiêu chí đánh giá hiệu quả đào tạo và nghiên cứu theo hướng tạo ra sản phẩm KHCN và đào tạo theo hướng nông nghiệp 4.0.
Bài viết của PGS-TS Nguyễn Thị Lan- Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam và các cộng sự đã được Dân Việt biên soạn lại tựa chính và các tựa nhỏ.