Sầu riêng Thái đang được người tiêu dùng Trung Quốc chào đón nồng nhiệt, làm dấy lên câu hỏi về việc liệu hiện tượng này chỉ là thoáng qua h...
Sầu riêng Thái đang được người tiêu dùng Trung Quốc chào đón nồng nhiệt, làm dấy lên câu hỏi về việc liệu hiện tượng này chỉ là thoáng qua hoặc là những tín hiệu chỉ báo một tương lai sáng lạn cho “vua trái cây”.
Aat Pisanwanich, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thương mại Quốc tế thuộc Đại học của Phòng Thương mại Thái Lan (UTCC), cho rằng sầu riêng Thái Lan có triển vọng sáng sủa trong ngắn hạn. Nhưng ông lo ngại về diễn biến trong 5 – 10 năm tới, các loại trái cây cao cấp Thái Lan có thể sẽ vấp phải nhiều thử thách, đặc biệt là về các vấn đề: chất lượng cao đồng nhất, nguồn cung tăng từ các nước sản xuất khác và sự phụ thuộc nặng nề vào thị trường Trung Quốc và Hong Kong.
Ông Aat cho biết sản xuất sầu riêng năm 2018 của Thái Lan ước dạt 600.000 tấn. Nhu cầu và giá tăng trong thời gian gần đây có thể thu hút thêm nhiều nông dân Thái Lan tham gia sản xuất sầu riêng, dẫn đến dư cung trong thập kỷ tới, ông nhận định. “Quan trọng hơn, sầu riêng là loại cây mà tất cả các nước Đông Nam Á đều có thể trồng bằng các giống bản địa, trong khi tất cả các nước sản xuất đều đang tập trung vào cùng thị trường. Tình trạng này rất rủi ro cho tương lai, và cạnh tranh khốc liệt hơn là điều hoàn toàn có thể dự báo được”.
Tại Thái Lan, hiện có 234 giống sầu riêng có đăng ký với chính phủ, trong đó 60 – 80 loại được sản xuất thương phẩm. Trong tất cả các khu vực trồng sầu riêng tại Thái Lan, Monthong chiếm 41% tổng sản lượng, Chanee 33%, Kan Yau 5% và Kra Dum Thong 2%. Trong khi Thái Lan sở hữu các giống sầu riêng Monthong, Chanee và Kaan Yao, Bộ Nông nghiệp Malaysia cho biết họ có hơn 126 giống sầu riêng, với Raja Kunyit hay Musang King là loại bán chạy nhất. Malaysia hiện có 50.000 gia đình trồng sầu riêng với tổng sản lượng sầu riêng năm 2016 đạt 302.000 tấn.
Indonesia có một số giống sầu riêng nổi tiếng, một số loại nổi tiếng cao cấp bao gồm Bokor, Kani, Otong, Perwira, Petruk, Si Dodol, Si Hijau, Si Japang, Si Mas, Sitokong, Siwirig, Sukun và Sunan. Năm 1995, 5 giống bổ sung từ Kalimantan Barat được đăng ký là các giống sầu riêng cao cấp của Indonesia là Aspar, Sawah Ma, Raja Mabah, Kalapet và Mansau. Hiện có rất nhiều giống sầu riêng khác nhau ở các đảo rải rắc trên khắp Indonesia, đặc biệt là Sumatra. Theo cơ quan thống kê quốc gia, sản lượng sầu riêng năm 2015 của Indonesia là 996.540 tấn, với sản lượng sầu riêng năm 2016 ước đạt 1 triệu tấn.
Việt Nam có 20 – 30 giống sầu riêng bản địa, với sản lượng hàng năm đạt 259.436 tấn. Campuchia cũng có các giống sầu riêng bản địa với sản lượng hàng năm khoảng 33.000 tấn. Một giống sầu riêng lấy tên từ tỉnh Kampot , cách tỉnh Trat của Thái Lan khoảng 340km là loại sầu riêng nổi tiếng nhất của Campuchia.
Philippines hiện cũng đang tích cực mở rộng sản xuất sầu riêng, đặc biệt là tại vùng không bị bão lơn tại Mindanao. Tại Philippines, sầu riêng gần như chỉ trồng được tại Mindanao, đặc biệt là Davao, Cotabato, Sulu và Agusan. Miền nam Mindanao được coi là “thủ phủ sầu riêng” của Philippines. Các giống sầu riêng phổ biến tại đây bao gồm 2 giống bản địa và 4 giống nhập ngoại – Chanee, Monthong, Umali và CA 3266 – bên cạnh hàng trăm giống bản địa không đăng ký.
Năm 2017, sản lượng sầu riêng thế giới đạt 2,2 triệu tấn, với nhu cầu chỉ ở mức 700.000 tấn, theo thống kê từ World Trade Atlas. Trung Quốc và Hong Kong là các thị trường dẫn đầu, chiếm 90% tổng tiêu dùng. Nhu cầu tại Hàn Quốc cũng ở mức cao.
Ông Aat cho rằng tất cả các nước ASEAN đều đang tăng cường sản xuất, phát triển các giống sầu riêng chất lượng cao và có thương hiệu của riêng mình, và giá sầu riêng có thể sẽ giảm sâu nếu thị trường Trung Quốc suy yếu hoặc tình trạng dư cung diễn ra.
Ông cho biết Alibaba Group, gần đây đã hợp tác với chính phủ Thái Lan để xúc tiến sầu riêng Thái Lan tại Trung Quốc, cũng hợp tác với Malaysia để xúc tiến thương mại cho sầu riêng và các loại tổ yến. “Quan hệ đối tác với công ty thương mại điện tử Trung Quốc này là một nỗ lực tích cực, sẽ hỗ trợ phát triển tiêu chuẩn và chất lượng tốt hơn cho sầu riêng Thái Lan”, ông Aat cho biết. “Nhưng chính phủ cũng cần thúc đẩy khả năng cạnh tranh xuất khẩu của các HTX nông nghiệp Thái Lan và nâng cấp các HTX này đủ năng lực giao dịch trực tiếp với các đối tác nước ngoài”.
Alibaba chủ yếu thu mua sầu riêng thông qua các đại lý trái cây. Ông Aat cho rằng chính phủ nên có kế hoạch sản xuất sầu riêng và quản lý chất lượng tốt hơn để ứng phó với các rủi ro trong tương lai. Ông dẫn chứng Malaysia là ví dụ tốt khi chính phủ nước này đang củng cố toàn bộ chuỗi sản xuất sầu riêng. Cơ quan marketing nông sản liên bang tham gia vào ký hợp đồng sản xuất với nông dân nhỏ lẻ, thu mua sản phẩm từ nông dân với giá công bằng, cung cấp dịch vụ tư vấn về marketing và đóng gói, cũng như hỗ trợ họ phát triển năng lực xuất khẩu.
Pramoj Ruamsuke, nhà tư vấn tại Phòng Thương mại Thái Lan của Hội đồng Phát triển Kinh tế miền Đông, cho rằng Campuchia có thể nổi lên trở thành đối thủ cạnh tranh chính khi nước này đã mua 1 triệu tấn hạt giống từ Thái Lan. “Những gì chúng ta nên theo dõi sát sao là khả năng tăng trưởng xuất khẩu các giống sầu riêng nổi tiếng, có thể không bắt nguồn từ Thái Lan”, ông cảnh báo. “Ví dụ, các nhà sản xuất Trung Quốc đã thành công trong phát triển thương hiệu Monthong của riêng họ có thể nhập khẩu các giống sầu riêng nổi tiếng từ các nước khác như Malaysia, Indonesia hay Campuchia, thay vì Thái Lan”.
Top 10 thị trường xuất khẩu sầu riêng tươi Thái Lan năm 2017:
Ông Pramoj cho rằng một trong những vấn đề chính là giá sầu riêng, vốn không do nông dân đặt ra mà bị chi phối bởi thương nhân và người mua Trung Quốc, trong khi chính phủ Thái Lan vẫn chưa có kế hoạch quản lý marketing và sản xuất sầu riêng hiệu quả. “Hiện chưa có cơ quan chức năng nào được giao nhiệm vụ cụ thể về trách nhiệm tăng cường năng lực quản lý, xuất khẩu và phân phối sầu riêng. Thị trường hiện đang hoàn toàn bị điều khiển bởi người Trung Quốc”.
Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Sontirat Sontijirawong cho biết Bộ này đang lên kế hoạch thảo luận với Bộ Nông nghiệp và Hợp tác Nông nghiệp để đánh giá hoạt động sản xuất sầu riêng và kế hoạch quản lý trong tương lai, cũng như đưa ra các chính sách mới nhằm tăng cường năng lực và khả năng cạnh tranh của nông dân. “Quan hệ đối tác với Alibaba là bước chuyển quan trọng cho xuất khẩu trái cây Thái Lan”, ông Sontirat phát biểu. “Quan hệ này giúp mở rộng các kênh marketing cho trái cây Thái Lan và nâng cao sự phát triển chất lượng sản phẩm. Nhưng Alibaba không phải là đối tác duy nhất, khi chính phủ Thái Lan cũng đang bắt tay với các nhà bán lẻ trực tuyến Trung Quốc khác. JD.com vừa bắt tay với Bộ Thương mại Thái Lan với mục tiêu nâng cấp thị trường thương mại điện tử B2B của bộ này, đồng thời Thaitrade.com sẽ giúp tạo ra thêm nhiều cơ hội cho xuất khẩu Thái Lan.
Bộ Thương mại Thái Lan đã thành lập Thaitrade.com 7 năm trước. Trang web này hiện có hơn 200.000 sản phẩm và thu hút 2,15 triệu người dùng nước ngoài. Năm 2016, Bộ Thương mại Thái Lan cũng ra mắt Thaitrade.com Sook (cho phép những đặt hàng lượng nhỏ), B2C (doanh nghiệp – người tiêu dùng) là các phiên bản mở rộng của Thaitrade.com. Bộ này cũng đang tìm kiếm quan hệ đối tác với các doanh nghiệp thương mại điện tử quốc tế tại Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ, châu Phi và Trung Đông thông qua Thaitrade.com.
Mục tiêu là nhằm tối đa hóa xuất khẩu các sản phẩm Thái Lan thông qua các kênh trực tuyến và tăng giá trị giao dịch trên sàn thương mại điện tử quốc gia thêm 1 tỷ Baht lên 5,5 tỷ Baht trong năm 2018. Thị trường thương mại điện tử Thái Lan định giá 2.800 tỷ Baht năm 2017, tăng 9,9% so với năm 2016. Giá trị giao dịch B2B đạt 1.670 tỷ Baht, chiếm 59,6% tổng giá trị thị trường, B2C đạt 812 tỷ Baht, chiếm 28,9%. Các giao dịch doanh nghiệp – chính phủ tạo ra 324 tỷ Baht, chiếm 11,6% tổng giá trị thị trường, theo thống kê của Cơ quan Phát triển Giao dịch Điện tử Thái Lan cho hay. Giá trị thương mại điện tử của Thái Lan dự báo đạt 5.000 tỷ Baht đến năm 2021.
Bộ Thương mại Thái Lan cho biết xuất khẩu trái cây tươi, đông lạnh và sấy khô của Thái Lan ra thị trường thế giới mang về 76 tỷ Baht, tương đương 2,4 tỷ USD trong năm 2017, tăng 40% so với năm 2016. CÁc thị trường xuất khẩu chính bao gồm Việt Nam (45%), Trung Quốc (30%), Hong Kong (8%), Indonesia (4%) và Mỹ (3%).
Gao Meng Di, giám đốc kiểm soát chất lượng của Tmall, thị trường giao dịch B2C của Alibaba, cho biết năm 2018 là năm đầu tiên công ty cử nhân viên kiểm soát chất lượng tới làm việc với các thương nhân địa phương tại các khu vực sản xuất sầu riêng chính để giám sát các dịch vụ hậu cần và đóng gói. Tmall chủ yếu mua sầu riêng từ Thái Lan, Malaysia và Việt Nam, với sầu riêng Thái Lan chiếm 60% tổng lượng thu mua, chủ yếu là do sầu riêng Thái Lan tương đối rẻ hơn so với sầu riêng Malaysia và chi phí vận chuyển thấp hơn.
Theo Bangkok Post (gappingworld.com)